Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Nàng thơ "quyến rũ" một người...


Ông sinh năm 1932, quê gốc ở Bình Định. Là cựu chiến binh, Hội viên Hội NCT phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Mấy năm nay, ông sinh hoạt tại CLB thơ phường Tương Mai.
Từ thuở cắp sách đi học, cậu học trò này đã yêu thơ rồi- yêu rất chân thành, say đắm, yêu như là bị "bùa mê quyến rũ". Ông là Vũ Ngọc Hùng, hiện ở khu tập thể Trương Định, phường Tương Mai, Phó tiến sĩ kỹ thuật Xây dựng ở Liên Xô (cũ) đã nghỉ hưu.
Trong "Làng thơ nghiệp dư" ông là một "hiện tượng" rất đáng trân trọng. Đã viết và cho in tới 2.400 bài thơ, đóng thành hai tập dày cộm, bìa cứng, trình bày rất trang nhã.
Trong cuộc giao lưu thơ tại CLB phường Tương Mai, chúng tôi ngạc nhiên khi anh chị làm thơ "đố" ông đọc được những bài thơ anh em yêu cầu. Không chần chừ ông đọc một mạch-khoảng gần một tiếng đồng hồ đã có đến 300-400 câu thơ. Ông nói: Tôi có thể đọc hơn 1000 câu thơ, vì đây là những bài thơ tôi yêu, tôi thích.
Có một buổi sáng nhà thơ Vũ Ngọc Hùng đến thăm tôi. Chúng tôi cùng ở khu tập thể Trương Định.Uống chén trà nóng, tôi hỏi ông:
-Làm thế nào để ông có thể thực hiện hơn 1000 câu thơ đủ các thể loại, lục bát, thơ đường, ngũ ngôn, thơ mới, thơ "leo thang" gập ghềnh.
-Trước hết là phải yêu thơ đã. Rồi tìm  bài hay, bài được nhiều người chú ý, tôi đã đọc lại cho "ngấm" vào trí nhớ của mình.
-Thế ông tìm đọc thơ vào lúc nào?
-Lúc còn tại chức, tranh thủ vào giờ nghỉ trưa.
Thuộc hành nghìn câu thơ và viết đến 2.400 bài thơ rồi đóng thành tập, tác giả Vũ Ngọc Hùng quả là một cây bút đáng nể. Tòa soạn "Thi san Việt Nam" đã mở một cuộc tọa đàm về "Hiện tượng- nhà thơ Vũ Ngọc Hùng". Rất nhiều nhà thơ, nhà lý luận nêu ý kiến: "Vũ Ngọc Hùng đến với thơ như một duyên nợ. Thơ ông dung dị mà lắng đọng dễ nhớ, dễ thuộc bởi có sự đan cài giữa yếu tố tự sự và chất trữ tình... Cái duyên của người kể chuyện trong mỗi bài thơ có sự biến đổi linh hoạt, khi thì đầy chiêm nghiệm, khi thì dí dỏm, lúc lại cảm thông, sẻ chia.
Qua "cây bút" Vũ Ngọc Hùng, mong sao Hội NCT- một tổ chức rất đáng kính trọng- xuất hiện thêm nhiều nhà thơ, cây bút thơ "cao tay" hơn nữa.

Tạ Hữu Uyên (Báo Người Cao Tuổi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét