Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Tọa đàm “Truyện thơ Vũ Ngọc Hùng và những thông điệp”

Hơn 2400 bài thơ mộc mạc, dung dị mà lắng đọng; mỗi bài thơ hoặc là một câu chuyện cổ lấp lánh sắc màu huyền thoại hoặc là những câu chuyện lịch sử thông minh, dí dỏm, và hơn bao giờ hết đằng sau mỗi bài thơ là những bài học nhân sinh có ý nghĩa sâu sắc, thấm được tinh thần nhân văn – đó là dấu ấn đọng lại trong tâm cảm mỗi người khi đọc thơ Vũ Ngọc Hùng.
-----------------

Tọa đàm “Truyện thơ Vũ Ngọc Hùng và những thông điệp” đã diễn ra vào chiều 10/10/2009 tại tòa soạn Thi San Việt Nam. Tham dự buổi tọa đàm có nhà phê bình văn học Hoàng Thủy Hương, nhà thơ Nguyễn Đăng Luận, nhà thơ Lê Thanh Tùng, trưởng ban biên tập Thi san VN Phạm Hoàng Nam, chị Diễm Châu – P.CT CLB Thơ Trẻ Việt Nam Online, thạc sĩ văn học Bùi Thủy và độc giả Thi San Việt Nam.
Buổi tọa đàm diễn ra trong không khí thân mật, đầm ấm và cởi mở. Vốn là một nhà khoa học (Phó tiến sĩ khoa học kĩ thuật), Vũ Ngọc Hùng đến với thơ như một “duyên nợ”. Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Bình Định, ngay từ những ngày thơ bé, Vũ Ngọc Hùng đã có niềm say mê văn chương đặc biệt. Không có điều kiện để mua sách, cậu vẫn tìm mọi cách để mượn đọc tất cả các tập truyện kinh điển từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim…để rồi theo năm tháng “pho sách” năm xưa vẫn còn lưu dấu trong kí ức cùng với những trải nghiệm cuộc đời, tâm hồn nhà thơ đã bắt nhịp đồng điệu từ đó viết nên những bài thơ dung dị mà lắng đọng. Truyện thơ Vũ Ngọc Hùng  dễ nhớ dễ thuộc bởi có sự đan cài giữa yếu tố tự sự và chất trữ tình. Yếu tố tự sự làm nên mạch phát triển của cấu tứ, còn chất trữ tình là sợi dây kết dính làm nên vẻ đẹp lãng mạn của bài thơ. Vũ Ngọc Hùng khai thác chất liệu tự sự hoặc từ những điển tích, những câu chuyện cổ như “Truyền thuyết về chữ Phúc”, “Truyền thuyết về Nguyệt lão”, “Chuyện về tiết Hàn thực”, “Truyền thuyết về tết đoan ngọ”, “ Truyền thuyết về bánh Trung thu”, “ Truyền thuyết về lễ Noel”…hoặc từ những câu chuyện lịch sử, những giai thoại về các vị anh hùng dân tộc như “Hoa sen giếng ngọc”, “ Đám cưới của Huyền Trân công chúa”, “Câu đối của Ngô Thì Nhậm”, “Bài thơ chữ nhất” …bởi thế chuyển tải những bài học rất có ý nghĩa nhân văn. Cái “duyên” của người kể chuyện (nhân vật trữ tình) trong mỗi bài thơ có sự biến đổi ngôi linh hoạt: khi thì đầy chiêm nghiệm, suy tư (ngôi thứ ba) khi thì dí dỏm, thông minh (ngôi thì nhất) lúc lại cảm thông sẻ chia (ngôi thứ hai)…
Nhà phê bình văn học Hoàng Thủy Hương nhấn mạnh phân tích sự kết hợp giữa chất trí tuệ, chất lãng mạn và “chất sống” từ những câu chuyện thấm đượm màu sắc huyền thoại trong thơ Vũ Ngọc Hùng. Còn nhà thơ Nguyễn Đăng Luận khâm phục sức sáng tạo nghệ thuật dồi dào của nhà thơ Vũ Ngọc Hùng (hơn 2400 bài thơ, mỗi bài thơ ít nhất 20 câu, vị chi có hơn 4 vạn câu thơ). Chị Diễm Châu – P.CT CLB thơ Trẻ Việt Nam Online cho rằng thơ Vũ Ngọc Hùng như mạch nguồn đậm chất thuần Việt và đó chính là chất keo kết dính làm nên hồn thơ Vũ Ngọc Hùng dung dị, mộc mạc mà sâu lắng. Bạn Định – độc giả Thi San Việt Nam chia sẻ cảm xúc khi được tham dự buổi Tọa đàm rằng chính những câu chuyện lịch sử được viết bằng thơ của Vũ Ngọc Hùng rất bổ ích, giúp em và các bạn trẻ hiểu rõ, hiểu sâu hơn về những giá trị truyền thống.
Buổi tọa đàm kết thúc trong trong âm vang hào sảng những vần thơ do chính nhà thơ thể hiện.  
Một số hình ảnh trong buổi tọa đàm
Không khí buổi tọa đàm luôn cuốn hút bởi những câu chuyện thơ của tác giả



Nhà thơ Vũ Ngọc Hùng

Phút giải lao, Nhà thơ Nguyễn Đăng Luận tặng Nhà thơ Vũ Ngọc Hùng cuốn “Thơ tình Nguyễn Đăng Luận”

Từ trái qua phải: Bạn đọc Thi san VN, Nhà phê bình VH: Hoàng Thủy Hương, Trưởng ban BT Thi san VN:Phạm Hoàng Nam, Nhà thơ Vũ Ngọc Hùng, Nhà thơ Nguyễn Đăng Luận, Ths Văn học Bùi Thị Thủy, P.CT CLB Thơ trẻ VN Nguyễn Thị Diễm Châu

Bùi Thủy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét